Làng nghề mộc Giáp Quán, xã Mỹ Thành, huyện Yên Thành tồn tại cả trăm năm nay và được UBND tỉnh công nhận làng nghề năm 2016. Để phát triển nghề mộc truyền thống của gia đình, anh Hồ Sỹ Hoàng, làng Giáp Quán, xã Mỹ Thành đã đầu tư hàng trăm triệu đồng mua thêm dàn máy đa năng, các trang thiết bị phục vụ sản xuất. Anh còn thường xuyên cập nhật các mẫu mã sản phẩm mới. Tuy nhiên điều mà anh lo lắng nhất là việc tìm đầu ra cho sản phẩm.
Hiện nay, làng nghề có 40/103 hộ dân vẫn giữ nghề, với hơn 100 lao động làm nghề mộc. Sản phẩm mộc dân dụng chủ yếu được làm từ nguồn nguyên liệu gỗ tạp sẵn có tại địa phương như: Tràm, Bạch Đàn, Xoăn Đâu; nên giá thành cũng khá rẻ. Đồ mộc cao cấp của làng Giáp Quán cũng nức tiếng gần xa bởi được làm bởi những người thợ khéo léo, dạn dày kinh nghiệm. Bởi vậy, sản phẩm của làng nghề Giáp Quán, từ mộc dân dụng đến đồ gỗ cao cấp, ngày càng được thị trường ưa chuộng. Ngày 25/3/2016, xã Mỹ Thành, huyện Yên Thành tổ chức lễ đón bằng công nhận làng nghề cấp tỉnh - làng nghề mộc Giáp Quán.
Tổng doanh thu của làng nghề mộc Giáp Quán, xã Mỹ Thành hàng năm chiếm 2/3 tổng thu nhập của xã. Nghề mộc đã thay đổi diện mạo đời sống người dân làng mộc Giáp Quán, với trên 80% số hộ khá, giàu. Mặc dù vậy, để người dân yên tâm sống với nghề truyền thống vẫn cần có các giải pháp để làng nghề phát triển bền vững. Anh Nguyễn Ngọc Sơn bày tỏ mong muốn: “Thời gian tới mong các cấp hỗ trợ tìm đầu ra ổn định cho sản phẩm; có nguồn vay ưu đãi để đẩy mạnh phát triển thương hiệu”.
Làng nghề có 40/103 hộ dân vẫn giữ nghề.
Bên cạnh sản xuất các loại đồ mộc dân dụng như bàn ghế học sinh, giường rệ, quạt đơn… Các hộ làm mộc đã tập trung đầu tư kinh phí mua sắm trang thiết bị máy móc hiện đại, sản xuất đồ mộc cao cấp mỹ nghệ đáp ứng nhu cầu thị trường. Đặc biệt, để đảm bảo nghề phát triển bền vững người dân Giáp Quán luôn quan tâm đảm bảo vệ sinh môi trường, cảnh quan làng xóm, xưởng được xây dựng, che chắn kín đáo, chất thải: mùn cưa, vỏ bào, mu đục, gỗ thừa…được sử dụng làm chất đốt, không gây ồn ào trong quá trình sản xuất, góp phần tích cực trong chuyển dịch cơ cấu kinh tế ở địa phương.
Ông Nguyễn Vĩnh Hội - Bí thư Đảng ủy xã Mỹ Thành, Yên Thành cho biết: Sau khi được công nhận làng nghề (năm 2015), Đảng ủy, UBND xã định hướng thành lập HTX đảm bảo các yếu tố cho phát triển làng nghề. Đồng thời, chúng tôi tiếp tục vận động tuyên truyền nhân dân, đầu tư, nâng cao chất lượng và phát triển làng nghề trong thời gian tới.
Nói về các giải pháp thúc đẩy phát triển làng nghề tại địa phương tại huyện Yên Thành ông Nguyễn Công Hải - Phó phòng Kinh tế Hạ tầng huyện Yên Thành chia sẻ: “Huyện đã xây dựng kế hoạch phát triển làng nghề giai đoạn 2016 - 2020. Trong đó, có cơ chế hỗ trợ làng có nghề 20 triệu đồng/làng nghề; đối với các làng nghề đã được tỉnh công nhận, ngoài hỗ trợ của tỉnh trích từ quỹ khuyến công 50 triệu đồng, huyện hỗ trợ thêm 20 triệu đồng/làng nghề. Bên cạnh đó, huyện tạo điều kiện cho các làng nghề phát triển bằng cách hỗ trợ mặt bằng cho các làng nghề phát triển vùng tiểu thủ công nghiệp”.
Tuy nhiên điều mà các cơ sở sản xuất của các làng nghề lo lắng nhất là giá cả và đầu ra sản phẩm không ổn định, sự lạc hậu trong sản xuất của các làng nghề, nguồn nguyên liệu không đảm bảo… là những yếu tố tạo nên sự không bền vững của các làng nghề hiện nay. Vì vậy, để xây dựng được thương hiệu của các làng nghề đòi hỏi các hộ sản xuất, doanh nghiệp, làng nghề cần phải đẩy mạnh liên kết, trau dồi, nâng cao tay nghề, cần mở rộng thị trường tiêu thụ, phát triển các sản phẩm mang giá trị kinh tế cao.