Nói nội thất phải chăng là nói đến một lĩnh vực văn hóa vật chất của con người mà tiện nghi và mỹ quan là yêu cầu không thay đổi với kiến trúc bên trong nhà ở của bất cứ thời đại nào?
Nội thất không tách rời bộ khung kiến trúc truyền thống. Khi nhà dựng bằng gỗ tre thì giường chõng tre rải chiếu cói đã rất quen với đồng bào nông thôn.
Bộ khung nhà với cột xà, kẻ, chồng, đường chạm khắc và soi chỉ vào gỗ, từ gỗ xoan đến lim, gụ, táu đã từ lâu tạo nên phong cách mang tính quyết định đối với nội thất. Nội thất đây là nói nơi ở của thường dân hay quan lại, người giàu, là nói nơi thờ Phật hay thành hoàng, là nơi quán sơ sài, nơi dừng kiệu của quan lại đi tuần hay là điện huy hoàng trong Đại Nội Huế.
Trong khuôn cảnh do khung nhà, cột, xà, kẻ... tạo ra, đồ đạc trong nhà ở có phong thái riêng biệt.
ở nhà ba gian, cửa mở rộng ra sân, bộ tràng kỷ vàng nhạt màu bằng tre, bương hay vầu chiếm gian giữa. Nếu nhà rộng còn có tấm phản gỗ đặt giữa tràng kỷ và bàn thờ tổ tiên.
Từ đồng bằng sông Hồng đến đồng bằng sông Cửu Long, phản gỗ là hai tấm lim, gụ hay táu dày trung bình 10 phân Tây. Sức bền vững của phản gỗ cho phép truyền từ đời nọ sang đời kia. Không ít tấm phản gỗ quý đã làm nắp hầm tránh đạn thời chiến hay đã cùng đất đá và đồ đạc khác tạo thành ụ vững chống xe tăng giữa đường phố Hà Nội.
Khi công cụ đẽo gỗ còn là con dao, cái rìu, khi sàn nhà và vách ngăn còn làm toàn bằng tre, vầu, thì nội thất quen thuộc của đồng bào Mường, Thái, và nhiều đồng bào khác là ghế mây, tre, bày quanh bếp lửa hồng giữa nhà, rung động màu sắc các thổ cẩm rực rỡ trên thân hình người đẹp hay quanh giường màn dành cho khách mời.
Sập gụ, tủ chè và bàn ghế nhiều chạm khắc và khảm ốc là nội thất của nhiều nhà giàu ở cả bắc, trung, nam Việt Nam. ở Huế, khách ngồi trong nhà nhìn ra sân, còn thấy rui mái hiên khảm ốc. Nội thất và các thành phần của bộ khung nhà truyền thống hòa hợp với nhau, tạo nên phong cách Việt Nam ở nhiều thời đại.
Những nhà quyền quý, quan lại, nội thất không thể thiếu những câu đối trên cột, trên tường và bức hoành phi với mấy chữ đại tự ở vị trí trang trọng trên cao bàn thờ. Càng uy nghiêm hơn nếu có một giá cắm đủ các loại binh khí: thương, giáo, long đao...
Ngày nay, khi kiến trúc nhà ở đã đổi thay theo kết cấu bê-tông cốt thép và gạch nung, phong cách trang trí nội thất truyền thống vẫn còn sức mạnh của nền văn hóa dân tộc sống động. Bàn ghế bằng song, mây kết hợp ghế tựa, tủ chè bằng gỗ quý chạm khắc và khảm xà cừ còn là món hàng ưa chuộng đang bày bán ở nhiều cửa hàng. Sự tách biệt giữa đồ đạc và kiến trúc phòng ở đã ngày càng rõ rệt.
Từ năm 1962, kiến trúc sư Nguyễn Gia Đức đã chỉ ra một phương án trang trí nội thất: kỹ thuật tân tiến đã đem lại lối thoát cho kiến trúc cổ truyền Việt Nam mà vẻ thanh tao đặc sắc vẫn giữ nguyên vẹn nếu không phải là được tăng thêm lên nữa.
Đó là một trăn trở văn hóa của một nhà kiến trúc gần 40 năm qua. Ngày nay, nhiều kiến trúc sư trẻ vẫn nung nấu những hoài bão phát triển nền văn hóa truyền thống qua kiến trúc và trang trí nội thất. Tuy nhiên, các mặt hàng chế ngự thị trường hiện nay là mọi kiểu ghế bành bọc vải giả da, bọc ni-lông mềm mại như ôm lấy người ngồi...
Sự trang trí nội thất cùng với sự sáng tạo kiến trúc vẫn vươn lên theo hướng phát triển nền văn hóa tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc. Chúng ta cần tiếp tục chứng minh những cố gắng sáng tạo của các nghệ nhân, các nhà kiến trúc và họa sĩ.
Với sự hiểu biết sâu sắc về thiết kế và kinh doanh nội thất Công ty CPTM Ngọc Thạch đã sản xuất ra những sản phẩm nội thất phù hợp với mọi gia đình, mọi tầng lớp với giá cả hợp lý nên đến nay đã chiếm được uy tín trên thị trường nội thất ở TP Vinh và các Tỉnh lân cận .