Còn hơn 2 tháng nữa mới đến Tết cổ truyền Ất Mùi nhưng không khí rộn ràng, phấn khởi của một mùa xuân ấm áp đã tràn ngập khắp làng mộc Thái Yên (Đức Thọ).
Chúng tôi về Thái Yên, địa phương có truyền thống lâu đời làm nghề mộc vào một ngày đầu tháng 12. Khắp đường làng, ngõ xóm, tràn ngập âm thanh của tiếng máy cưa gỗ, đục đẽo và tiếng cười nói râm ran của công nhân đang miệt mài hoàn thành các sản phẩm để kịp giao khách hàng. Tại các cửa hàng lớn trong xã, mặc dù đã xế chiều, nhưng số lượng khách đến tham quan, mua sắm vẫn khá đông. Làng nghề trước thềm xuân (Bài 4): Làng mộc khẩn trương
Vào thời điểm này, nhiều công nhân tại các xưởng mộc ở xã Thái Yên đã phải làm thêm buổi tối mới đủ hàng giao cho khách.
Điểm đến đầu tiên của chúng tôi là cửa hàng đồ mộc dân dụng của ông Phan Đăng Yên (xóm 1). Đang bận bịu với việc giới thiệu sản phẩm và quản lý hoạt động trong xưởng, nhưng ông vẫn dành thời gian chia sẻ cùng chúng tôi: “Cửa hàng của tôi bán đầy đủ các sản phẩm như bàn ghế, tủ, kệ, bàn thờ, nhưng công việc chính vẫn là nhận gia công các cặp lục bình đủ mọi kích cỡ. Dường như, xu thế chơi lục bình của người dân trong dịp này đang “nóng” trở lại sau một thời gian chìm lắng. Chỉ tính riêng trong tháng này, cơ sở nhận làm 50 cặp lục bình, tăng 20 cặp so với những tháng bình thường. Hầu hết khách hàng đều mang gỗ đến và nhờ chúng tôi gia công, chi phí cho một cặp lục bình sau khi hoàn thành khoảng 2 triệu đồng".
Sát bên cửa hàng của ông Yên là xưởng mộc Nga Thế do ông Nguyễn Đăng Thế làm chủ với hàng chục năm kinh nghiệm. Chúng tôi không khỏi ngỡ ngàng khi chứng kiến hàng trăm sản phẩm được bày bán trong căn phòng lớn. Ông Thế cho biết: “Chúng tôi đã nhận được rất nhiều đơn đặt hàng, chủ yếu là bàn ghế như ý (hình hộp vuông) với nhiều loại gỗ như dổi, gõ, giá 30-40 triệu đồng/bộ... Ngoài ra, sản phẩm bàn thờ bằng gỗ mít, vàng tâm có giá khoảng 16-17 triệu đồng cũng được nhiều khách hàng lựa chọn”. Làng nghề trước thềm xuân (Bài 4): Làng mộc khẩn trương
Máy chạm điện tử sản xuất tại Đài Loan giúp tạo ra những sản phẩm đa dạng về kiểu dáng
Ông Thế cho biết thêm, ngoài những mặt hàng tầm trung thì cơ sở của ông cũng chế biến một số bàn ghế cao cấp bằng gỗ mun, giá trên 100 triệu đồng để phục vụ khách hàng khi có nhu cầu. Để tạo ra những sản phẩm đa dạng về kiểu dáng nhưng đảm bảo chất lượng, ông đã mạnh dạn đầu tư thêm máy chạm điện tử sản xuất tại Đài Loan với giá khoảng 250 triệu đồng. Ngoài ra, ông cũng thường xuyên sưu tầm các mẫu mã mới tại nhiều làng mộc trên khắp cả nước.
Để đáp ứng hàng hóa phục vụ Tết Nguyên đán năm nay, cửa hàng ông Thế đã thuê thêm 5 công nhân trong làng, đồng thời, khuyến khích họ tăng ca khi có đơn đặt hàng. Chị Nguyễn Thị Yến (xóm 5) cho biết: “Công việc chính của chúng tôi là đánh giấy nhám sau khi hoàn thành phần thô của sản phẩm. Riêng đợt này, chúng tôi phải làm thêm ca 3 vì có 5 khách hàng đặt bàn ghế. Mức lương của công nhân khoảng 5 triệu đồng/ người/tháng.
Trên địa bàn xã Thái Yên hiện có 33 cửa hàng chuyên kinh doanh các sản phẩm từ nghề mộc với hàng trăm lao động. Hàng mộc Thái Yên đã theo chân người đến với nhiều miền quê trong cả nước, làm hài lòng biết bao khách hàng. Rời Thái Yên vào lúc trời nhá nhem, không khí lao động không ngừng nghỉ của một làng nghề khiến chúng tôi cảm nhận hơi ấm ngày tết đã tràn ngập khắp vùng quê này. |