Về Thái Yên, đi đến đâu cũng nghe thấy tiếng cưa, đục rộn ràng. Người dân ở đây ai cũng tất bật với công việc của mình. Chủ tịch UBND xã Đoàn Đình Hoạt cho biết: “Thời bao cấp, Thái Yên có một hợp tác xã (HTX) chuyên làm nghề mộc. Thời đó, 83% đồ mộc ở chợ Vinh là sản phẩm của HTX. Những người không làm ở HTX thì thành lập từng tốp thợ 15- 20 người đi làm ăn khắp nơi. Mỗi năm, họ chỉ về quê vài ba lần khi có công việc nhà, ngày Tết, lễ của làng. Từ khi đất nước chuyển sang cơ chế thị trường, thợ Thái Yên đều về quê mở xưởng, lập công ty sản xuất với quy mô lớn. Đến nay, xã đã có 25 xưởng, 3 công ty chuyên sản xuất đồ mộc.

Nội thất đồ gỗ Vinh Nghệ An
Các xưởng đều được trang bị máy móc hiện đại như: máy cưa, máy bào, nhờ vậy năng suất tăng gấp 10 lần so với trước đây. Những năm gần đây, hàng mộc Thái Yên bán rất chạy, nhiều gia đình giàu lên trông thấy. Ông Hán, 81 tuổi, người từng được tôn vinh có bàn tay vàng, tuy bây giờ không còn cầm cưa, đục nữa, nhưng hằng ngày vẫn truyền dạy cho con cháu kinh nghiệm. Ông cười nói: “Sự nổi tiếng của mộc Thái Yên cũng nhờ kinh nghiệm của các bậc tiền bối truyền lại, tôi nghĩ phải tiếp tục đào tạo cho thế hệ trẻ để con cháu sau này tiếp bước các cụ, làm rạng danh nghề truyền thống của làng”. Hàng mộc Thái Yên rất thanh thoát, mỗi hình tiết, hoa văn chạm khắc như một tác phẩm nghệ thuật, uyển chuyển nhẹ nhàng. Mẫu mã được thay đổi liên tục theo thị hiếu khách hàng. Những năm gần đây, làng còn liên tục đưa công nghệ tiên tiến vào sản xuất để nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm.
Nghề mộc Thái Yên đang phát triển, và là mô hình cần được nhân rộng, nhằm hình thành hướng đi mới, xóa đói giảm nghèo, tạo công ăn việc làm cho người dân.
Trăn trở trước hướng phát triển bền vững, các nghệ nhân làng mộc Thái Yên quyết tâm đổi mới quy trình sản xuất, để nghề mộc quê nhà trụ vững trong thời kỳ hội nhập và xuất khẩu bền vững. Sau khi đi học tập nhiều làng nghề lớn ở Thừa Thiên - Huế, Hà Tây (cũ), Bắc Ninh, năm 2002, xã quyết định giành hơn 5ha đất xây dựng Khu tiểu thủ công nghiệp làng nghề; đầu tư 3,2 tỷ đồng san lấp mặt bằng. Đến nay, Khu tiểu thủ công nghiệp làng nghề có 12 xưởng, 3 công ty hoạt động sản xuất. Nhờ vậy, Thái Yên trở thành làng nghề lớn của Hà Tĩnh, tạo ra nhiều sản phẩm được thị trường trong và ngoài nước ưa chuộng, giúp nâng cao cuộc sống của người dân.